Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã nghe và quá quen thuộc với từ CPU. Tuy nhiên, một số người (trong đó có tôi trước đây) cứ tưởng rằng CPU là cả cái “hộp to đùng nặng trịch” với mấy cái nút mà muốn bật máy chúng ta phải ấn vào. Nhưng, thật ra cái “hộp to đùng nặng trịch” ấy chỉ là lớp vỏ ngoài bao bọc lấy rất nhiều linh kiện bên trong, trong số đó CPU là thành phần quan trọng bậc nhất. Cái lớp vỏ ấy cũng có tên hẳn hoi chứ không phải gọi là CPU đâu nhé, tên thân mật của nó là “Cây” (case). CPU cũng có một tên gọi khác là con chip máy tính.
Về kích thước, CPU nhỏ bé hơn rất nhiều so với cái “hộp to đùng nặng trịch” – từ giờ chúng ta hãy gọi là Case nhé. Nếu đem so sánh 1 chiếc CPU với case máy tính thì chỉ như đem con người ra so với con voi… Tuy nhiên, nếu thiếu “con voi” – case thì máy tính vẫn hoạt động ầm ầm, còn nếu thiếu “con người” – CPU thì máy tính chả khác gì 1 đống sắt vụn…
CPU là từ viết tắt của chữ Central Processing Unit (đơn vị xử lí trung tâm). CPU có thể được xem như não bộ của máy tính. CPU đảm nhận thực hiện chức năng cơ bản của máy tính là thực thi chương trình. Chương trình được thực thi gồm một dãy các chỉ thị được lưu trữ trong bộ nhớ. Quá trình thực thi chương trình gồm hai bước: CPU đọc chỉ thị từ bộ nhớ và thực thi chỉ thị đó. Việc thực thi chương trình là sự lặp đi lặp lại quá trình lấy chỉ thị và thực thi chỉ thị.
CPU là một mạch tích hợp phức tạp gồm hàng triệu transitor trên một bảng mạch nhỏ. CPU có nhiều kiểu dáng khác nhau. Ở hình thức đơn giản nhất, CPU là một con chip với vài chục chân. Phức tạp hơn, CPU được ráp sẵn trong các bộ mạch với hàng trăm con chip khác. Tốc độ xử lý của máy tính phụ thuộc vào tần số đồng hồ làm việc của CPU (tính bằng MHz, GHz, …) nhưng nó cũng phụ thuộc vào các phần khác như bộ nhớ đệm, RAM hay bo mạch đồ họa.
Hai nhà sản xuất CPU lớn và nổi tiểng nhất hiện nay là Intel và AMD. CPU của AMD thường có giá rẻ hơn Intel để thu hút khách hàng nhưng thị phần của AMD vẫn thấp hơn nhiều so với Intel.
Các thông số của CPU
- Kiểu CPU: CPU đời sau luôn có công nghệ và hiệu năng cao hơn CPU đời trước.
- Tần số đồng hồ làm việc (tốc độ): Đối với các CPU cùng loại, tần số này càng cao thì tốc độ xử lý càng tăng. Đối với CPU khác loại, thì điều này chưa chắc đã đúng, ví dụ CPU 486 tần số 20MHz có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn CPU 386 33MHz. Bạn cũng như không thể so sánh tần số của CPU một nhân với CPU hai nhân.
- Bộ nhớ đệm (cache): Bộ nhớ đệm dùng để lưu các lệnh hay dùng, giúp cho việc nhập dữ liệu xử lý nhanh hơn. Dung lượng bộ nhớ đệm càng nhiều càng giúp CPU làm việc nhanh hơn. Bộ nhớ đệm tích hợp vào CPU có hiệu quả cao hơn bộ nhớ đệm nằm rời bên ngoài.
- Socket: Chỉ loại khe cắm của CPU. Đây là đặc điểm để xét sự tương thích giữa CPU và bo mạch chủ.
- Tốc độ FSB (Front Side Bus): Là kênh truyền dữ liệu giữa CPU và bộ nhớ trên Mainboard. Nó còn được gọi là System Bus (kênh truyền hệ thống). Tốc độ này càng cao hệ thống chạy càng nhanh.
Thao tác với CPU
- Chỉ nên cầm ở các cạnh CPU, không nên chạm tay vào 2 mặt trên, dưới CPU.
- Không được làm rơi CPU, không để CPU gần nơi có tỉnh điện hay từ trường mạnh.
- Nên bôi 1 lớp keo tản nhiệt lên lưng CPU trước khi gắn bộ phận tản nhiệt (Heatsink fan), nhằm tăng độ tiếp xúc giửa CPU và bộ phận này (giúp việc truyền nhiệt được tốt hơn).
- Thỉnh thoảng nên làm sạch bụi cho quạt và tấm giải nhiệt của CPU bằng cọ mềm và dụng cụ thổi bụi.
Lựa chọn CPU theo nhu cầu
- Nếu bạn thường xuyên chơi các game đồ họa cao cấp hoặc bạn là chuyên gia dựng hình video 3D hay làm công việc xử lý ảnh kĩ thuật số chuyên nghiệp: hãy chọn CPU mạnh nhất và có công nghệ mới nhất. (Intel Core i series, Intel Core 2 Quad, Intel Core 2 Duo…)
- Nếu bạn chỉ xử lý ảnh 2 chiều trên Photoshop chẳng hạn và thỉnh thoảng chạy ứng dụng 3D: hãy cân nhắc sử dụng chíp Dual Core hoặc cao hơn. Vì với cùng một chi phí, nếu tập trung vào việc tăng dung lượng bộ nhớ RAM, tốc độ hệ thống sẽ khả quan hơn so với nâng đời CPU.
- Nếu bạn chỉ có nhu cầu soạn thảo tài liệu số lượng ít, tài liệu nhỏ và đơn giản, nghe ca nhạc, lướt web, tài chính hạn hẹp: hãy chọn CPU dạng Celeron hoặc Pentium 4 là đủ.
- Mẹo: Để lựa chọn được CPU tối ưu nhất theo yêu cầu sử dụng để tránh lãng phí các bạn có thể tham khảo tại một số diễn đàn về phần cứng nổi tiếng như: vozForums,…
Qua bài này, chúng ta đã tìm hiểu một số khái niệm cơ bản của CPU và tầm quan trọng của CPU đối với hoạt động của hệ thống máy tính. Hi vọng sau khi đọc xong bài này, chúng ta sẽ không còn gọi nhầm case là CPU nữa và sẽ có một số kinh nghiệm nho nhỏ khi cần mua mới hoặc nâng cấp CPU máy tính của mình.
Chúc các bạn thành công!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét