Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Hiện tượng máy tính tự khởi động




Hiện tượng máy tính tự khởi động lại mà không có thông báo lỗi là vấn đề "đau đầu" của nhiều bạn đọc. Cùng một hiện tượng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau: có thể do lỗi của Windows, xung đột giữa các phần mềm, trình điều khiển thiết bị phần cứng gây tranh chấp hoặc phần cứng kém chất lượng, không ổn định.

Hiện tượng này xảy ra bất kể là máy mới mua, mới ráp hoặc máy cũ, đang sử dụng, chỉ xảy ra thỉnh thoảng hay xảy ra liên tục. Tự khởi động lại khi máy đang shutdown hay bất kể lúc nào. Lúc khởi động hoặc khi chạy những ứng dụng chiếm nhiều tài nguyên hệ thống...

Vì chúng xảy ra không theo một quy luật nào cả, để xác định nguyên nhân chính xác đòi hỏi bạn phải có phần cứng thay thế, thời gian và tính kiên nhẫn. Trong trường hợp này, chúng tôi thường sử dụng phép thử đúng sai để loại suy dần các nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng máy tính tự khởi động lại.

Kiểm tra phần mềm

Tiến hành kiểm tra phần mềm nếu hiện tượng này xảy ra sau khi bạn chỉnh sửa hệ thống, cài đặt hoặc gỡ bỏ ứng dụng, phần mềm... (Lưu ý những thao tác có ảnh hưởng đến hệ thống). Với Windows 2000/XP, đăng nhập với quyền Administrator, vào Control Pannel\Administrative Tools\Event Viewew để xem thông báo lỗi. Đây là một trong những nơi cần tham khảo, tìm hiểu nguyên nhân để biết cách khắc phục.

Trong trường hợp cần thiết, tải về từ website của nhà sản xuất và cập nhật các trình điều khiển thiết bị phần cứng như chipset, card đồ họa, card âm thanh, card mạng... Bạn nên chọn những driver tương thích với phiên bản hệ điều hành đang sử dụng. Tham khảo thêm thông tin tại www.microsoft.com/whdc/whql/default.mspx.

Thiết lập mặc định Windows NT/2000/XP sẽ tự khởi động lại máy khi gặp lỗi liên quan đến hệ thống (kể cả trong quá trình shutdown). Giải pháp tạm thời là tắt tính năng này, thực hiện như sau:

+ Nhấn phải chuột trên My Computer, chọn Properties để vào System Properties.

+ Chọn Tab Advanced, trong mục Start and Recovery, chọn Settings.

+ Bỏ dấu tùy chọn mục "Automatically Restart".

+ Nhấn OK để xác nhận thay đổi và khởi động lại.

Việc bỏ tùy chọn Automatically Restart sẽ làm hệ thống bị treo hoặc hiển thị "màn hình xanh chết chóc" khi gặp lỗi (hình 1). Điều này sẽ giúp bạn dễ xác định được nguyên nhân gây lỗi hơn. Để khắc phục, hãy cài lại Windows với tùy chọn R (Repair) để Windows tự sửa lỗi. Nếu không thể khắc phục bằng việc cài lại, bạn nên format phân vùng đĩa cứng và cài mới Windows. Tham khảo thêm thông tin về cách cài đặt trong mục Làm mới Windows, bài viết "Trẻ hóa Windows" (ID:A0305_103).

Kiểm tra phần cứng

Chúng ta không thể (hoặc không dám) can thiệp sâu vào phần cứng, chỉnh sửa hoặc thay đổi như phần mềm. Vì vậy, "thay và thử" là giải pháp chúng tôi áp dụng nhằm xác định nguyên nhân. Trong trường hợp này, RAM và bộ nguồn (Power Supply Unit - PSU) là hai phần cứng bạn cần quan tâm đặc biệt.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, với hệ thống P3 (hoặc tương đương), RAM là phần cứng đầu tiên cần kiểm tra nhưng với các hệ thống P4 hiện nay, phần cứng đầu tiên cần kiểm tra là bộ nguồn.
Thông thường do các trường hợp sau:
1. RAM: Nếu ram có "vấn đề" thì việc chuyển giao dữ liệu đôi khi làm xảy ra hiện tượng trên. Thông thường thì lỗi ở ram sẽ làm màn hình chuyển sang xanh lè và chữ trắng đầy màn hình chứ không phải là tự khởi động lại máy.

Kiểm tra: Các bạn có thể đổi thử một thanh ram đang sử dụng tốt với ram của mình xem sao.

2. Nguồn: Khi điện lưới chập chờn hoặc bộ nguồn trong máy cung cấp thiếu áp hoặc mainboard phân bổ nguồn lực không đều, thỉnh thoảng tụt áp rồi lại tăng áp đột ngột (sốc điện áp) thì máy tính sẽ tự khởi động lại. Nếu bạn có dùng ổn áp hoặc biến thế thì đôi khi máy ổn áp quá cũ hoặc máy ổn áp không có chất lượng tốt cũng chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng sốc điện áp.

Kiểm tra: Thử dùng một bộ ổn áp tốt hoặc UBS đáng tin cậy (đang sử dụng tốt trên máy khác) để kiểm tra. Nếu xác định được nguồn điện cung cấp tốt thì kiểm tra đến bộ nguồn trong máy bằng một bộ nguồn khác. Khả năng lỗi trên mainboard rất ít nếu bạn dùng mainboard tốt, nếu không thì cũng không loại trừ trường hợp này.

Nếu do bộ nguồn trong máy hoặc do mainboard thì bạn phải cấp tốc giải quyết vì trước sau gì nó cũng "giết" ổ cứng của bạn, khi đó toàn bộ dữ liệu trong ổ cứng xem như tiêu.

3. Nhiệt độ: Ngay khi máy tự khởi động, bạn thử rờ quanh thùng máy xem có nóng không, khi nhiệt độ cao làm cho các thiết bị hoạt động không ổn định cũng dẫn đến "nhiều chuyện" lắm.

Kiểm tra: Mở vỏ máy ra chạy thử, chú ý thỉnh thoảng nhìn quạt, thỉnh thoảng rờ vào bộ nguồn và xem quạt của bộ nguồn. Nếu trong máy gắn nhiều thứ, thùng máy chật hẹp thì nên dùng bộ nguồn tốt và thêm quạt hút phía sau.

4. CPU: Thường thì rất ít xảy ra vì hiện nay phổ biến nhất là CPU của Intel và AMD (sản phẩm công nghệ cao nên chưa có hàng giả), 2 hãng này cung cấp CPU với chất lượng tốt và đồng đều, tuy nhiên không loại trừ khả năng bị lỗi. CPU lỗi cũng gây ra hiện tượng tự khởi động lại máy. Nếu CPU quá nóng thì sẽ báo bằng tín hiệu "bíp bíp" kéo dài liên tục và cuối cùng là treo máy chứ không gây khởi động lại máy.

Kiểm tra: tốt nhất là các bạn nên mang ra hàng. Rất đơn giản là vì chúng ta không thể tự hý hoáy được.

5. Virus: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, đa phần người dùng máy tính hiện nay thiếu ý thức trong việc phòng chống virus vì họ cho rằng những thông tin trong máy không quan trọng và họ chưa gặp tai nạn lớn vì virus. Tôi cho rằng khoảng 99,99% máy tính tại VN sử dụng phần mềm chống virus miễn phí hoặc bẻ khóa nên không được hỗ trợ khi gặp sự cố. Ít người quan tâm đến việc update thường xuyên phần mềm chống virus đang sử dụng.

Kiểm tra: các bạn có thể tháo ổ cứng máy mình ra và đem thử ở một máy khác. Nếu vẫn bị khởi động lại thì đến 99% là do virus rồi đó.

6. Linh tinh: Do các phần mềm ứng dụng cài trên máy bị đối kháng lẫn nhau, chúng tranh chấp nhau bộ nhớ (thường xảy ra khi cài nhiều phần mềm diệt virus khác nhau trên cùng 1 máy). Khả năng này hiếm khi xảy ra.

7. Ổ cứng bị lỗi vật lý (bad).

Khi bị lỗi này, có thể chương trình bạn đang chạy một số tập tin nằm trong vùng bị lỗi thì máy sẽ khởi động lại. Ngoài ra, Card màn hình, RAM gắn lỏng lẻo cũng có thể gây ra tình trạng tương tự, tuy nhiên thường thì chúng sẽ xuất hiện màn hình “xanh” báo lỗi.

* Cách giải quyết: Vào Windows Explorer, chọn ổ đĩa cài đặt hệ thống, thường là ổ C, phải chuột, chọn Properties, chọn thẻ Tools, sau đó click vào Check Now ở phần Error-checking để kiểm tra lỗi đĩa. Có thể sử dụng các phần mềm cao cấp từ các hãng thứ 3 để việc kiểm tra và xử lý được chuyên nghiệp hơn như RepairDisk Manager của Raxco.

Bạn cần sao lưu lại dữ liệu trong trường hợp này, vì đó cũng là tín hiệu của ổ cứng sắp đến giới hạn “tuổi thọ”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Press Release Distribution