Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ |
Là tiến sĩ Công nghệ thông tin nhưng câu chuyện giữa Lê Quang Minh và Sinh Viên Việt Nam lại bắt đầu từ Toán học. Anh kể: “Nhà có 4 anh chị em, bố mẹ là giáo viên, hồi nhỏ, tôi thường được học trước, cứ Hè lớp 3 thì đã học xong chương trình lớp 4, thậm chí giải được các bài toán khó rồi... Lớp 9, tôi bắt đầu học trường chuyên và giành giải ba quốc gia môn Toán, rồi lớp 12 đạt giải nhì quốc gia môn Toán, được vào thẳng đại học. Tôi đã nộp hồ sơ vào khoa Toán, trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), mặc dù cũng rất khoái Bách khoa và Ngoại giao...”.
Biết “lập trình” và biết cân bằng, vậy có phải, việc chọn học tiến sĩ Công nghệ thông tin sau này là một sự “thức thời”, khi Toán học (và khoa học cơ bản nói chung) dường như không còn hấp dẫn với những người trẻ như anh nữa?
Không, ngay lúc sang Nga, tôi vẫn xác định học Toán chứ không phải Tin, sau về nước cũng sẽ gắn bó với ngành Toán. Nhưng sang Nga tôi lại được phân học Công nghệ thông tin, vốn không phải nguyện vọng ban đầu. Đấy là thay đổi mang tính bước ngoặt, một yếu tố khách quan nhưng vẫn chấp nhận được vì thực sự, Toán học đã giúp tôi rất nhiều trong suốt quá trình học tập và đặc biệt khi làm nghiên cứu sinh.
Toán học còn giúp gì cho anh trong cuộc sống?
Nhờ học tốt Số học từ nhỏ nên tôi luôn suy luận lôgic, mọi thứ trong cuộc sống đều được lên kế hoạch giống như “lập trình”: mình làm thế này thì mình sẽ có kết quả gì, một cách rất cụ thể.
Nhờ học tốt Số học từ nhỏ nên tôi luôn suy luận lôgic, mọi thứ trong cuộc sống đều được lên kế hoạch giống như “lập trình”: mình làm thế này thì mình sẽ có kết quả gì, một cách rất cụ thể.
Có bao giờ mọi việc diễn ra không theo kế hoạch không? Và những lúc như thế, anh xử lý như thế nào?
Ồ có chứ! Chẳng hạn như việc này: Lẽ ra, tôi bảo vệ luận án tháng 11 năm 2007, nhưng đã không thực hiện được do Bộ Giáo dục Nga phải sắp xếp lại hội đồng, sau khi có những thay đổi về nhân sự. Hai vợ chồng (vợ tôi cũng học tiến sĩ tại Nga, chuyên ngành Kinh tế - Tài chính) bị “kẹt” lại mất nửa năm, mọi kế hoạch bị đảo lộn. Nửa năm phải tự bươn chải vì học bổng đã hết, ở nhà, bố mẹ không biết, cứ tưởng mình bị thế nào đó mới ra nông nỗi... Chúng tôi thực sự đã trải qua những thời khắc rất khó khăn.
Nói chung, mặc dù xác định mục tiêu nhưng không phải lúc nào mình cũng thực hiện được răm rắp. Đôi lúc, mình cũng cần phải nhìn lại, “ngắm nghía” cả quá trình xem đúng hay sai, nếu cần (sai lệch do yếu tố chủ quan) thì điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp. Tôi luôn giữ thăng bằng khá tốt, kể cả có thể trật ra ngoài về vấn đề này, vấn đề kia nhưng rồi mình vẫn đứng vững và đi tiếp.
Có một thực tế là người chọn gắn bó với khoa học cơ bản thường khó giàu, anh có thể lý giải tại sao?
Đúng là một thực tế đáng suy nghĩ, mặc dù tôi dám chắc, những con người của khoa học hiếm ai ham giàu. Tôi lấy thí dụ, ngành Toán xác suất thống kê, ngành này rất quan trọng, lại có tính ứng dụng cao nhưng những người làm thống kê giỏi ở ta rất ít. Ở trường, chỉ một số thầy có trình độ giáo sư, tiến sĩ, đều đã ngót nghét 50 – 60 tuổi. Tôi nghĩ, suy cho cùng, ít người gắn bó là bởi mức đãi ngộ chưa phù hợp. Cùng với đó là sự tôn trọng, nếu tôi làm thống kê rồi mang số liệu “thật” đi bán, chưa chắc đã được người ta mua, đôi khi, người ta muốn tôi “bóp méo” các con số đi rồi mới “nói chuyện”.
Không như Toán xác suất thống kê, ngành Công nghệ thông tin của anh bây giờ đang là thời thượng. Anh không nghĩ tới việc tận dụng thế mạnh của mình để có được sự đãi ngộ tốt hơn sao?
Khi tôi về nước, cũng có một số ý kiến trong gia đình khuyên nên làm cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ, nếu mình trở thành thầy giáo hoặc cán bộ của ĐHQG hay một trường đại học lớn thì “thương hiệu” của mình càng được củng cố, các doanh nghiệp sẽ trân trọng hơn rất nhiều, nếu sau này mình có nhu cầu “nhảy việc”.
Trong ĐHQG, nói thật, lương của một trưởng phòng như tôi chỉ được 3,5 - 4 triệu đồng/tháng nhưng tôi còn có các khoản thu nhập khác: thực hiện đề tài, giảng dạy cao học, hướng dẫn luận văn, tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài, hội đồng khoa học... Những cái đó vẫn là hoạt động khoa học nhưng giúp mình có thêm thu nhập.
Cùng trình độ, tiến sĩ trong trường chắc khó có mức thu nhập như anh em doanh nghiệp ở ngoài nhưng quan trọng, ở đây, tôi được làm việc, cống hiến theo sở thích. Vả lại, khoản tiền 8 - 10 triệu đồng cũng không phải thấp để có thể trang trải cuộc sống.
“Muốn giàu, tôi đã không chọn làm giảng viên”
Sẽ có người nói anh dễ hài lòng hoặc ngại thử sức?
Nếu mà xác định phải làm giàu thì tôi sẽ không làm giảng viên hay cán bộ nghiên cứu khoa học. Còn khi đã chọn rồi thì nên coi tiền bạc, xe cộ... chỉ là vật ngoài thân, là công cụ, phương tiện chứ không phải cái gì quá quan trọng. Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm: khỏe mạnh và được làm những gì mình thích. Tôi luôn tâm niệm, mình còn trẻ nên việc phải bươn chải để kiếm sống là hết sức bình thường. Vất vả một chút nhưng có yêu thích mới làm, không vì bất kỳ một sức ép nào về tiền nong, vật chất hay danh vọng.
Anh thấy những bạn trẻ hiện nay thế nào và có thường “truyền” những quan niệm sống kiểu như vậy cho sinh viên của mình không?
Tôi dạy cao học nhiều hơn nhưng có thể thấy rõ một thực trạng là sinh viên, học viên đang quan tâm đến bằng cấp nhiều hơn so với kiến thức hay lẽ sống. Điều này cũng dễ hiểu bởi bây giờ, các bạn trẻ bị “lôi” vào xã hội nhanh quá. Chính vì bị ảnh hưởng từ xã hội nên các bạn cứ nghĩ là cần phải “gặp riêng thầy” trong những trường hợp này khác nhưng sự thực đâu phải thế! Tôi biết, có những nơi như ở trường A, viện B cũng để lại nhiều tai tiếng, từ bài tập lớn, thi cuối kỳ, hết môn... đều diễn ra tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ, có khi không hẳn do các thầy muốn làm khó sinh viên, học viên mà phần nào, chính người học đã mang lối hành xử bên ngoài xã hội vào để tự tạo nên sức ép cho mình như vậy.
Tôi thích những sinh viên cứ nhằng nhẵng bám theo mình để hỏi điều này điều kia và cảm thấy rất khó chịu mỗi khi có người gọi điện hỏi thầy có nhà không, em đến chơi. Tôi không muốn tiếp sinh viên ở nhà, tôi muốn sinh viên học hành thực chất. Nhiều bạn quá ham chơi và ỷ vào sức mạnh của đồng tiền để “sống sót”.
Anh phê bình các bạn bị “đẩy vào đời” sớm nên dễ tiêm nhiễm thói hư xã hội nhưng nếu không đi làm thêm hay tham gia các hoạt động cộng đồng... thì người trẻ sao có thể trưởng thành?
Tất nhiên, những bạn trẻ vừa đi học, vừa đi làm part-time để có tiền sinh hoạt hay tham gia vào các hoạt động xã hội có tổ chức như đi tình nguyện, hiến máu nhân đạo... thì rất đáng khuyến khích.
Tất nhiên, những bạn trẻ vừa đi học, vừa đi làm part-time để có tiền sinh hoạt hay tham gia vào các hoạt động xã hội có tổ chức như đi tình nguyện, hiến máu nhân đạo... thì rất đáng khuyến khích.
Nhưng dù thế nào, sinh viên đừng bao giờ quên nhiệm vụ chính, quan trọng nhất của mình là học tập. Những năm tháng ở giảng đường đại học là một cơ hội rất quý báu để trui rèn học vấn chuyên môn. Sinh viên chúng tôi những năm trước thường chỉ biết đi học, xong về nhà nấu cơm, ăn xong lại đi học... Nhiều người cứ lo thế thì anh nào anh nấy thành đầu to mắt cận hết nhưng thực tế, trường học chỉ có thời chứ “trường đời” ta còn cả một quãng dài phía trước.
Lối sống nào trong cuộc sống mà anh tâm đắc?
Tôi luôn luôn muốn kết bạn càng nhiều càng tốt và chơi với ai cũng nhiệt tình. Mặc dù bận rộn công việc, gia đình, nhưng tôi vẫn muốn sống hòa mình vào xã hội, có những mối quan hệ, giao lưu. Tôi giúp một nhóm sinh viên chuẩn bị thi cao học, tập trung đâu đó ôn tập theo đề cương và coi như anh em, bè bạn chứ không phải thầy trò, không nhận một đồng thù lao. Tôi thích kiểu như vậy vì nó làm cho cuộc sống của mình thêm ý nghĩa.
Xin cảm ơn anh!
TS Lê Quang Minh: (Sinh năm 1978, tại Thái Nguyên) - Năm 1996: Được tuyển thẳng vào Khoa Toán, Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), từ năm 1997 sang học tập tại trường ĐH Bách khoa Saint Petersburg, LB Nga, theo Hiệp định giữa hai Chính phủ. Trong suốt 4 năm (2000 – 2004), anh là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại TP. Saint Petersburg.
- Tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ ngành Công nghệ thông tin. Từ năm 2004 đến năm 2008, anh làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐHTH Kỹ thuật Moscow mang tên N.E. Bauman. - Hiện nay, anh là Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo của Viện Công nghệ thông tin (ĐHQG Hà Nội). |
Kiều Hải
Trích từ báo svvn.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét