Máy tính của chúng ta được lắp ráp bởi rất nhiều bộ phận. Các bộ phận đều có nhiệm vụ riêng và không thể tách rời nhau. Nếu một trong các bộ phận ngừng hoạt động thì cả hệ thống cũng bị ảnh hưởng. Để các bộ phận trong máy tính hoạt động ổn định bạn cần phải cung cấp đủ điện năng để chúng hoạt động. Muốn như vậy, bạn cần có một bộ nguồn chất lượng có thể cung cấp đầy đủ điện năng yêu cầu giúp cho hệ thống hoạt động trơn tru. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu cơ bản về bộ nguồn máy tính, một bộ phận rất quan trọng của máy vi tính.
Giới thiệu nguồn máy tính
Nguồn máy tính (tiếng Anh: Power Supply Unit hay viết tắt: PSU) là một thiết bị cung cấp điện năng cho bo mạch chủ, ổ cứng và các thiết bị khác…, đáp ứng năng lượng cho tất cả các thiết bị phần cứng của máy tính hoạt động.
Vai trò
Các thiết bị điện tử gia dụng hay chuyên dùng không thể sử dụng trực tiếp dòng điện xoay chiều (AC) từ lưới điện được mà phải thông qua bộ chuyển đổi nhằm hạ thế và chuyển thành dòng điện một chiều (DC) cung cấp cho các linh kiện điện tử trong thiết bị đó. Các bộ chuyển đổi này được gọi chung là bộ nguồn của thiết bị. Không ngoại lệ, máy vi tính cũng có bộ nguồn riêng của mình, vậy bộ nguồn máy tính có gì khác biệt so với các bộ nguồn thông thường?
Bộ nguồn là một thiết bị phần cứng quan trọng, cung cấp năng lượng hoạt động cho toàn hệ thống. Với hàng loạt công nghệ mới chạy đôi hoặc “2 trong 1″ như RAM Dual Channel, đĩa cứng RAID, đồ họa SLI/CrossFire, CPU DualCore… Bộ nguồn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi nó quyết định sự ổn định của hệ thống, tuổi thọ của các thiết bị phần cứng khác.
Nếu không cung cấp đủ công suất điện cho hệ thống (sử dụng nguồn kém chất lượng hoặc không đủ công suất), bạn sẽ phải thưởng thức vô số các lỗi… từ trên trời rơi xuống! Nhẹ thì máy chạy ì ạch, các game yêu thích bị đứng hình liên tục,… Nặng một chút thì máy đang chạy, tự nhiên khởi động lại hoặc khởi động không được,… trường hợp xấu nhất là cả hệ thống ”đi toi” kéo theo nhiều thiết bị “yêu quí” khác phải đi “nằm viện”. Dễ thấy nhất và các ví dụ điển hình là các tụ trên các mainboard thường phồng rộp lên, hoặc VGA cạc của bạn bị vỡ hình xuất hiện các ký tự lạ… Nguyên nhân chẩn đoán được lúc này là một phần do thủ phạm bộ nguồn gây ra. Chính vì vậy, việc lựa chọn một bộ nguồn thích hợp với hệ thống là điều bạn cần xem xét và tính toán khi chọn mua máy tính. Đặc biệt đối với những linh kiện cao cấp như phần cứng máy tính những bộ nguồn chất lượng kém ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến độ bền và tuổi thọ linh kiện, đây là những tác hại mà người dùng chỉ nhận biết được sau một thời gian sử dụng nhất định..
Công suất và hiệu suất
Công suất nguồn được tính trên nhiều mặt: Công suất cung cấp, công suất tiêu thụ và công suất tối đa…Hiệu suất của nguồn thường không được ghi trên nhãn hoặc không được cung cấp khi nguồn máy tính được bán cho người tiêu dùng, do đó cần lưu ý đến cả hai thông số này.
Hiệu suất của nguồn máy tính được xác định bằng hiệu số giữa công suất cung cấp và công suất tiêu thụ của nguồn.
Mọi thiết bị chuyển đổi năng lượng từ các dạng khác nhau đều không thể đạt hiệu suất 100%, phần năng lượng bị mất đi đó bị biến thành các dạng năng lượng khác không mong muốn (cơ năng, nhiệt năng, từ trường, điện trường…) do đó hiệu suất của một thiết bị rất quan trọng.
Thế nào là bộ nguồn máy tính tốt?
Việc lựa chọn bộ nguồn đã không được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đúng trong một thời gian dài ngay cả đối với những người am hiểu về kỹ thuật máy tính. Hoặc người tiêu dùng chỉ lựa chọn sản phẩm qua nhãn mác, cảm tính của mình cũng như hình thức bề ngoài mà chưa thực sự nắm bắt được những thông số kỹ thuật của nhà sản xuất cung cấp kèm theo sản phẩm.
Một bộ nguồn tốt đáp ứng các yếu tố sau:
- Sự ổn định của điện áp đầu ra: không sai lệch quá -5 đến + 5% so với điện áp danh định khi mà nguồn hoạt động đến công suất thiết kế.
- Điện áp đầu ra là bằng phẳng, không nhiễu.
- Hiệu suất làm việc cao, đạt trên 80% (Công suất đầu ra/đầu vào đạt >80%)
- Nguồn không gây ra từ trường, điện trường, nhiễu sang các bộ phận khác xung quanh nó và phải chịu đựng được từ trường, điện trường, nhiễu từ các vật khác xung quanh tác động đến nó.
- Khi hoạt động toả ít nhiệt, gây rung, ồn nhỏ.
- Các dây nối đầu ra đa dạng, nhiều chuẩn chân cắm, được bọc dây gọn gàng và chống nhiễu.
- Đảm bảo hoạt động ổn định với công suất thiết kế trong một thời gian hoạt động dài
- Dải điện áp đầu vào càng rộng càng tốt, đa số các nguồn chất lượng cao có dải điện áp đầu vào từ 90 đến 260Vac, tần số 50/60 Hz.
2 mẹo chọn nguồn máy tính
Đối với những người không hiểu rõ về các thông số kĩ thuật như tôi và các bạn mới làm quen với máy tính thì có 2 mẹo giúp các bạn chọn được bộ nguồn ưng ý cho máy tính của mình. Đó là:
- Trước khi mua nguồn cho máy tính, bạn nên hỏi với những người có kinh nghiệm xem loại nguồn nào tốt, hiệu năng cao và phù hợp với cấu hình máy tính hiện tại của bạn. Post bài đặt câu hỏi trên các diễn đàn phần cứng là một cách rất hay, bạn sẽ nhận được câu trả lời và hướng dẫn tận tình bởi những người đi trước.
- Sử dụng công cụ tìm kiếm Google, với một số từ khóa đơn giản bạn hoàn toàn có thể biết bộ nguồn sắp mua của mình chất lượng tốt hay không? Ví dụ: bạn chuẩn bị mua bộ nguồn Acbel 350w, bạn có thể search với từ khóa: “acbel”, “chất lượng nguồn acbel”, “thảo luận về acbel”, vv…
Chúc các bạn thành công
0 nhận xét:
Đăng nhận xét